Xúc tu của bạch tuộc

Bạch tuộc có khả năng thực hiện những việc (kì lạ): Chúng có thể giải đố, thay đổi hình dạng và màu sắc, thậm chí là chỉnh sửa mã gen của chúng (đã có hẳn một giả thiết độc đáo về việc bạch tuộc có nguồn gốc ngoài hành tinh). Hơn nữa là mỗi xúc tu của chúng còn có bộ não riêng – một nghiên cứu vừa phát hiện chính xác cách mà những cái xúc tu này có thể tự hành động theo ý mình.

Bạn đang xem: Xúc tu của bạch tuộc

9 cái mạng ư? Chưa là gì so với 9 bộ não
*

Bạch tuộc có 500 ngàn nơ-ron, nhưng hơn một nửa trong số đó lại nằm bên ngoài não bộ của bạch tuộc – bộ não chính của nó ấy. Mỗi xúc tu có một nhóm các tế bào thần kinh tự kiểm soát hoạt động nên sinh vật này về cơ bản là có 8 “bộ não mini” độc lập bên cạnh bộ não chính ở giữa.

Các nhà nghiên cứu thật ra đã biết về cấu tạo sinh học độc nhất vô nhị của bạch tuộc được một thời gian rồi. Những nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, trong vòng 1 tiếng sau khi bị đứt ra khỏi bộ não chính, các xúc tu của bạch tuộc vẫn có thể phản ứng với các kích thích bên ngoài như là vươn ra, siết chặt hay thậm chí là cố gắng đưa thức ăn tới cái miệng mà đã không còn ở chỗ cũ nữa.

Điều mới lạ là, trong một video thử nghiệm, do nhóm nghiên cứu sinh của Đại học Washington thực hiện, đã đặc tả chi tiết cách các xúc tu bạch tuộc tự hành động theo ý chúng. Video này cho thấy có luồng thông tin giữa tua bạch tuộc, xúc tu và não bộ của chúng – và hóa ra là một số thông tin vẫn hoàn toàn “đi vòng” qua bộ não chính.

Trưởng nhóm nghiên cứu Dominic Sivitilli miêu tả quá trình này giống như cơ chế phản xạ, nghĩa là nơ-ron trong xúc tu có thể cảm nhận được môi trường xung quanh chúng, sau đó bắt đầu phản ứng mà không cần thông qua bộ não chính. Việc có thêm 8 trung tâm thần kinh xử lý các tác nhân bên ngoài cho phép chúng suy nghĩ và hành động nhanh hơn, cũng như có thêm lợi thế trong quá trình tiến hóa.

Xem thêm: Đường Nho Làm Tào Phớ Mua Ở Đâu, Đường Nho Là Gì

Sinh vật ngoài hành tinh trên Trái Đất

Bạch tuộc được biết đến với khả năng thực hiện các hành vi thông minh và gần giống với con người – như mở nắp hũ hay thoát ra khỏi bể chứa – hệ thần kinh của chúng tiến hóa khác với con người hay các động vật có xương sống khác.

Bạch tuộc là loại động vật thân mềm, thuộc lớp sinh vật sống dưới nước thông minh bao gồm cả mực ống và mực nang. Những loài có xương sống thường có hệ thần kinh trung tâm hoạt động theo cơ chế từ trên xuống theo “chỉ thị” của não bộ, còn động vật thân mềm thì không như thế, chúng có nhiều nhóm nơ-ron gọi là hạch trải dài khắp cơ thể.

Một nhóm nơ-ron sẽ tiến hóa để trở thành não chính, còn những nhóm còn lại thì tiếp tục điều hành các xúc tu. Các bộ hạch ngoại vi này có thể trao đổi thông tin với nhau qua “mạng thần kinh”, giúp các xúc tu có thể dễ dàng phối hợp chuyển động độc lập với não bộ.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Washington đã sử dụng hệ thống camera và máy tính để theo dõi chuyển động của bạch tuộc và xác định hành động nào được thực hiện bởi bộ não hay xúc tu. Một điều có thể rút ra từ thí nghiệm này chính là tính đồng bộ: Nếu các xúc tu chuyển động cùng lúc, rất có thể là do bộ não chính đang điều khiển. Nhưng khi một xúc tu tự động di chuyển thì có thể là do “não phụ” điều khiển đấy.

Nếu bạn nghĩ một sinh vật có các chi có thể hành động độc lập là chuyện trong phim khoa học viễn tưởng thì bạn hoàn toàn không cô đơn. Vì trong một thông cáo báo chí, Sivitilli cho rằng việc khám phá ra đặc điểm độc đáo này của bạch tuộc cũng giống như việc phát hiện sinh vật ngoài hành tinh sống trên Trái Đất vậy.

“Đây là một dạng trí thông minh khác,” Sivitilli nói. “Nó cho phép chúng ta hiểu về sự đa dạng của nhận thức trên thế giới, và có thể là cả vũ trụ.”